7 đồ vật trong căn bếp cần được vệ sinh thường xuyên nếu không sẽ trở thành ổ vi khuẩn, thế nhưng hầu hết mọi người đều bỏ quên
Dọn dẹp vệ sinh là một điều tốt, đặc biệt là giữ sạch sẽ cho căn bếp. Tuy nhiên, đôi khi có những vị trí, đồ vật chúng ta không nghĩ chúng chứa nhiều vi khuẩn đến vậy nên bỏ quên việc lau dọn thường xuyên, 7 đồ vật dưới đây là điển hình.
Có nhiều người thích dọn dẹp và chỉ cần thấy “bẩn” một chút là họ sẵn sàng lấy miếng bọt biển và xà phòng ra để làm mọi thứ trở lại sạch sẽ không tì vết. Thế nhưng, cũng có những người lại thoải mái hơn một chút và không mấy bận tâm đến những chi tiết nhỏ. Bí mật của sự sạch sẽ nằm ở tần suất chúng ta thực hiện việc vệ sinh môi trường xung quanh. Bằng cách này, chúng ta có thể hình thành những thói quen sắp xếp thời gian và cho phép mọi thứ luôn sạch sẽ.
Dưới đây là danh sách nhỏ những đồ vật trong nhà bếp mà chúng ta nên dọn dẹp thường xuyên nếu không muốn gây hại cho sức khỏe của mình:
1. Bếp nấu
Tiến sĩ Philip Tierno, giáo sư lâm sàng về vi sinh và bệnh lý học tại Đại học Y ở New York (Mỹ) nói rằng: “Nhiều người thường bỏ quên việc vệ sinh căn bếp, đặc biệt là khu vực bếp nấu. Các mảnh vụn thức ăn rơi vãi không được dọn dẹp kịp thời có thể trở thành môi trường tốt cho sự phát triển của vi khuẩn”. Đây quả là một lý lẽ tuyệt vời ủng hộ cho việc dọn dẹp căn bếp của bạn một cách kỹ lưỡng.
Chuyên gia tẩy rửa Melissa Maker cho rằng nên vệ sinh bếp sau mỗi lần sử dụng. Cô ấy không nói về việc phải làm sạch sâu, kỹ càng mà chỉ đơn giản là sử dụng chất tẩy rửa đa năng thông thường và một miếng vải sợi nhỏ. Đối với lò nướng, cả bên trong và bên ngoài, nên vệ sinh 3 tháng một lần hoặc khi thấy thức ăn bên trong bị cháy khét, có khói bốc ra khi sử dụng.
2. Thớt
Chúng ta đều biết rằng thớt là vật dụng bắt buộc phải có trong mỗi căn bếp. Tuy nhiên, nếu thớt không được vệ sinh cẩn thận, chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.
Thực tế, nhiều người sử dụng thớt để chuẩn bị các loại thực phẩm sống, chín khác nhau, gây mất vệ sinh và khiến vi khuẩn lây nhiễm chéo (từ đồ sống sang đồ chín). Vì vậy, bạn nên có nhiều loại thớt khác nhau để sử dụng mỗi loại cho một nhóm thực phẩm (ví dụ, một chiếc thớt dành cho trái cây và rau, một chiếc để sơ chế các loại thịt…).
Thớt nên được làm sạch bằng chất tẩy rửa diệt khuẩn và nước nóng sau khi sử dụng để loại bỏ mảng bám. Đồng thời, bạn cần phải làm khô thớt để tránh độ ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Bạn có thể rửa thớt bằng chanh và muối, làm sạch trong vòng ít nhất 5 phút trước khi lau rửa lại bằng khăn giấy hoặc nước. Ngoài ra, hãy thay thớt mới nếu chiếc thớt có vết nứt, hư hỏng gây khó khăn cho việc vệ sinh.
3. Đồ dùng bằng gỗ
Gỗ là một vật liệu rất xốp, cho phép nhiều chất được hấp thụ vào bên trong, kể cả cặn thức ăn và độ ẩm. Chính những lý do đó mà các vật dụng bằng gỗ cần được làm sạch ngay sau khi sử dụng, trước khi gỗ hấp thụ thức ăn thừa. Bạn nên lau thật khô các vật dụng trước khi cất, tránh việc thực phẩm bị nhiễm khuẩn và vi khuẩn sinh sôi nảy nở sau này.
4. Khăn lau bát đĩa và miếng bọt biển trong nhà bếp
Thông thường, các khu vực lưu trữ và chế biến thực phẩm có nhiều vi khuẩn và ô nhiễm hơn những nơi khác trong ngôi nhà của bạn. Mặc dù điều này thoạt nghe có vẻ lạ, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng miếng bọt biển và khăn lau bát đĩa có thể chứa hơn 75% các tác nhân lây nhiễm bệnh như Salmonella hoặc E. coli, cùng nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác. Trong khi đó, trên tay cầm vòi nước trong phòng tắm, con số này là 9%.
Hãy thường xuyên làm sạch miếng bọt biển của bạn bằng cách ngâm vào nước sôi khoảng 2 phút, hoặc đặt chúng vào lò vi sóng 2 phút khi chúng còn ướt. Thực hiện đều đặn 2 ngày một lần để loại bỏ vi khuẩn bề mặt.
Khi miếng bọt biển bị vỡ, hãy thay mới chúng để đảm bảo chúng không thể chứa nhiều vi khuẩn hơn. Đối với khăn lau bếp, bạn nên giặt chúng hàng tuần, trừ khi bạn đã xử lý thịt sống và chạm vào khăn lau, bạn nên giặt sạch chúng ngay sau đó.
5. Máy xay sinh tố
Một dụng cụ khác thường được cho là có khả năng gây lây nhiễm chéo cho thực phẩm trong nhà bếp là máy xay sinh tố. Khi sử dụng, bạn rất dễ để lại dư lượng thực phẩm đã qua chế biến ở đó vì chúng nhỏ hẹp, nhiều ngách khó làm sạch. Do đó, để làm sạch máy xay sinh tố, bạn nên dùng chất tẩy rửa diệt khuẩn và nhiều nước sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài ra, bạn nên vệ sinh sâu để loại bỏ triệt để các mùi hôi bám dính bên trong máy. Trộn giấm, nước với xà phòng rửa bát rồi cho tất cả vào máy xay, bật máy để chúng trộn đều trong vòng 5 phút. Sau đó, bạn chỉ cần rửa sạch và để khô hoàn toàn.
6. Tủ lạnh và vòng đệm cao su tủ lạnh
Tủ lạnh chứa đựng tất cả các loại thực phẩm, có thể hiểu như một “hệ sinh thái” lý tưởng để vi sinh vật phát triển. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải sắp xếp thực phẩm theo loại, tránh nhiễm khuẩn chéo khi bảo quản và giữ cho toàn bộ thực phẩm sạch sẽ. Người ta ước tính rằng việc dọn dẹp kỹ lưỡng 4 lần một năm và bảo trì mỗi tuần một lần là đủ để giữ cho không gian tủ gọn gàng và đảm bảo sức khỏe nhất.
Khi vệ sinh tủ lạnh, nhiều người thường bỏ quên vòng đệm cao su tủ lạnh. Tuy nhiên, đó có thể là một sai lầm lớn khiến cho việc vệ sinh trở nên công cốc. Vòng đệm giúp ngăn không cho khí bên trong tủ lạnh với môi trường bên ngoài, tuy nhiên, chúng cũng chứa lượng hơi ẩm và bụi bẩn lớn nhất, nếu không được vệ sinh thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc bảo quản thực phẩm. Bạn nên làm sạch vòng đệm cao su tủ lạnh hai lần một năm bằng miếng bọt biển, kết hợp nước và xà phòng.
7. Bình pha cà phê
Đối với những người yêu thích cà phê, máy pha cà phê trở thành một thiết bị không thể thiếu trong gia đình. Thế nhưng, việc vệ sinh bộ lọc và bình lại là một thói quen nhiều người chưa có. Trên thực tế, việc vệ sinh máy pha cà phê cần được làm sau mỗi lần sử dụng, tháo các bộ lọc và vệ sinh giỏ pha. Bạn cũng nên làm sạch lớp decal xi hóa 3 tháng một lần để loại bỏ cặn khoáng trong ống dẫn.
Nguồn và ảnh: Brightside