Bé 6 tháng bỏng chân, sốt cao, nhiễm trùng huyết phải nhập viện do xông mũi ngừa cô Vít

Bé 6 tháng bỏng chân, sốt cao, nhiễm trùng huyết phải nhập viện do xông mũi ngừa cô Vít

Phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu.

Đã có giai đoạn những thứ cỏ cây bình thường như sả, chanh, tỏi, gừng… bỗng khó kiếm hơn vàng, ngộ ghê luôn á các mẹ. Bởi nhà nhà người người trữ với niềm tin mãnh liệt là việc xông thường xuyên sẽ khiến họ miễn nhiễm với cô Vít. Hết xông lá thì đến xông máy, xông tinh dầu. Đến giai đoạn hiện tại, nhiều gia đình vẫn xông thường xuyên, và không chỉ xông cho mình, người lớn còn xông hơi trực tiếp cho trẻ nhỏ. Không biết tác dụng thế nào nhưng hậu quả thì đã xảy ra.

Em đọc trên VTV thì vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho bé trai G.B (6 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng huyết. Nguyên nhân là do gia đình sử dụng máy xông mũi họng để phòng cô Vít, không ngờ gây bỏng mu bàn chân trái. Vùng bỏng điều trị không tốt dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng máu.

Mẹ bé cho biết, do hàng xóm gần nhà có người bị nhiễm và trong gia đình có người thường xuyên phải đi làm tiếp xúc bên ngoài, lo sợ con và cả nhà bị nhiễm cô Vít nên gia đình đã tự mua máy xông về xông mũi họng hàng ngày. Tuy nhiên, trong lúc người nhà bế bé G.B đứng xông mũi họng, không may chân bé đá vào máy xông làm nước sôi từ máy xông đổ vào chân của trẻ. Sau tai nạn, trẻ quấy khóc nhiều, bỏng toàn bộ mu bàn chân trái. Người nhà đã tự sơ cứu cho bé bằng cách xả nước lạnh lên chân trẻ, trong quá trình xả nước do chân trẻ đeo tất nên người nhà đã tháo tất làm toàn bộ vùng da mu bàn chân trái của trẻ bị lột ra ngoài. Việc sơ cứu ban đầu đúng khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho tổn thương bỏng đỡ sâu, nặng thêm và giảm nguy cơ bội nhiễm. Xử trí không đúng cách ngay từ đầu, điều trị vùng bỏng chưa đúng và  tốt  có thể khiến vết bỏng nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng. Ở bé 6 tháng được gia đình cho xông thì các bác sĩ xác định bé bị bỏng độ 3, mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Hiện em bé đã khỏe sau thời gian được điều trị tích cực.

Trong khoảng thời gian gần đây, những tai nạn liên quan đến việc xông lá, xông hơi, xông máy cho trẻ ngày càng nhiều. Em đọc trên Tuổi Trẻ thì tháng 2/2022, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình – bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận hai bệnh nhi bị bỏng do xông hơi bằng nước lá. Trường hợp thứ nhất là bé N.T.K. 4 tuổi. Trong lúc mẹ bé K. bế vào lòng để cùng xông thì em bé ưỡn người lên làm nghiêng nồi xông nóng rực lên bé. Trường hợp thứ hai là một thiếu niên 14 tuổi, trong lúc xông hơi ở nhà cũng bất cẩn vướng vào quai nồi. Nước lá xông vừa sôi đã đổ xuống chân khiến em bị bỏng. Trước đó nữa là một bé gái ở Đồng Nai ngã vào nồi nước xông.

Nhiều cha mẹ lo lắng con nhỏ chưa tiêm vắc xin dễ có nguy cơ mắc nên đã cho trẻ xông mũi, họng, từ đó dẫn tới nhiều hậu quả khó lường như các trường hợp trên. Các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng xông hơi, không xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi. Đặc biệt là không xông tinh dầu cho bé dưới 5 tuổi vì làm tổn thương niêm mạc của trẻ, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ. Nếu người lớn ở nhà tự xông thì khi xông cần trông nom trẻ cẩn thận, không được để trẻ chạy chơi một mình.  Càng không nên xông cho bé đang là F0 vì xông hơi cho trẻ không có tác dụng trong điều trị, bên cạnh đó, cha mẹ không thể đảm bảo được nhiệt độ, khiến trẻ dễ bỏng. Ngoài ra, trong hướng dẫn mới nhất về chăm sóc trẻ mắc cô Vít tại nhà, Bộ Y tế cũng lưu ý không xông cho trẻ. 

Để bảo vệ trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

– Hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh, vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ.

– Người nhà hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

– Hướng dẫn trẻ cần che miệng và mũi cho trẻ khi trẻ ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

– Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín, ăn chín uống sôi.

– Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

-Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

Tổng hợp từ VNE, VTV, TT…

Có Thể Bạn Quan Tâm