“Cô tiên từ thiện” Trúc Phương của Sài Gòn: “Mình có quy tắc không giữ tiền lâu”

“Cô tiên từ thiện” Trúc Phương của Sài Gòn: “Mình có quy tắc không giữ tiền lâu”

Nguyễn Đỗ Trúc Phương cho biết, động lực để làm thiện nguyện của cô là nụ cười, niềm vui từ các cụ già có hoàn cảnh có khăn.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, du học sinh Úc vừa trở về Việt Nam năm 2019) đang trở thành nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ khi thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM. Đặc biệt, mới đây cô nàng tiếp tục gây ấn tượng khi thực hiện dự án thiện nguyện trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp.

Trúc Phương – “cô tiên ngoài đời thực” đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người.

Trong thời gian qua, cô nàng đã thực hiện những hoạt động như mua nhu yếu phẩm tặng người nghèo, quyên góp tại các khu cách ly tập trung, trợ giúp chú Nguyễn Văn Diên (thợ ảnh chụp dạo ở Bưu điện thành phố), hỗ trợ chú Bùi Quang Vinh (nhân viên bảo vệ 69 tuổi, nghỉ việc vì dịch, phải đi ăn xin ở đường Võ Thị Sáu),… Những hoạt động này đều thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Thế nhưng, xoay quanh vấn đề “tự thân” làm thiện nguyện của Trúc Phương vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều và tranh cãi. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Trúc Phương để hiểu rõ hơn về suy nghĩ, quan điểm của cô nàng.

Trúc Phương hỗ trợ cho chú Diên – người thợ ảnh chụp dạo tại Bưu điện thành phố. 

Từ một cô gái trở về từ nước ngoài, cơ duyên nào đưa Trúc Phương đến hoạt động thiện nguyện?

Trước năm 2019, khi còn sinh sống và học tập ở nước ngoài, Phương hay gửi tiền cho các bệnh viện, chi trả viện phí hàng tháng để duy trì điều trị tai biến cho một số bệnh nhân. Khi trở về nước, mình bắt đầu làm tình nguyện với quy mô nhỏ, tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi quyên góp từ bạn bè, người thân. 

Vào tháng 8/2020, mình gặp trường hợp chú Hải “xe ôm”, sau đó lên tiếng xin nhờ sự hỗ trợ từ mạng xã hội, giúp chú mua xe và điện thoại mới. Từ thời điểm đó, mình nhận được sự tin tưởng của nhiều mạnh thường quân, nối tiếp các dự án và phát triển thành quy mô lớn cho tới tận bây giờ.

Quy mô càng lớn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh. Vậy bạn có một ê kíp hùng hậu hỗ trợ không?

Mình làm thiện nguyện trong nước được 2 năm, trong suốt thời gian đó vẫn luôn hoạt động độc lập. Từ sao kê, quản lý tài chính đến việc gặp gỡ nhân vật có hoàn cảnh khó khăn để trao quỹ, đều tự làm một mình.

Phương làm như vậy vì không muốn có sự bất đồng ý kiến trong cách làm việc. Đồng thời, mình đã và đang làm một mình khá ổn, vì vậy mình nghĩ vẫn sẽ duy trì cách làm việc này tới khi mệt thì ngưng.

Mặc dù vậy, hiện tại, khi cần sự giúp đỡ, Phương sẽ nhắn trên mạng xã hội và các anh chị em giúp đỡ rất nhiều tình. Đây có lẽ là sự may mắn của mình khi làm thiện nguyện.

Niềm hạnh phúc của Phương là được giúp đỡ những cụ già có hoàn cảnh khó khăn. 

Gần đây, chuyện từ thiện bỗng nhiên trở thành vấn đề nhạy cảm, một số nhân vật từng được tung hô giờ đây lại bị chỉ trích. Phương có lo sợ bản thân sẽ rơi vào trường hợp tương tự?

Phương cũng rất sợ mạng xã hội. Khi thấy mọi người bị chỉ trích nặng nề, mình cũng cảm thấy buồn. Thế nhưng, mình nghĩ lại bản thân làm đúng, không có gì sai cả nên không cần lo lắng quá nhiều. 

Quan trọng nhất với Phương là sự minh bạch và hỗ trợ nhanh nhất trong việc từ thiện. Trong các dự án đã từng thực hiện, mình luôn hoạt động theo quy tắc “không giữ tiền lâu”. Như vậy, khi quyên góp xong, mình sẽ liên hệ với nhân vật đó và trao tặng tiền luôn. Đây là tiền của mọi người, mình giữ cũng không có mục đích gì nên cầm trong người chỉ thêm âu lo.

Về tính minh bạch, khi chi tiền, Phương luôn ghi rõ ràng dù mọi người không yêu cầu. Mình phải làm vì lương tâm muốn vậy, đồng thời cũng tránh ý kiến của một số người muốn bắt bẻ, soi mói vào những vấn đề nhỏ nhất. 

Cô nàng chia sẻ quan điểm về ồn ào liên quan đến vấn đề từ thiện gần đây. 

Trở về câu chuyện hiện tại, vừa qua, Trúc Phương đã hỗ trợ cho chú bảo vệ “gạt tự trọng, đi ăn xin” giữa thời dịch nhưng gây tranh cãi về vấn đề công bằng. Sự thật về vấn đề này là gì?

Từ trước tới nay, Phương làm việc rất công tâm. Nhiều người thắc mắc tại sao mình lại cho người này ít, người kia nhiều nhưng tất cả đều có lý do. Phương chỉ tâm niệm rằng: “Phước của ai thì người đó hưởng”.

Ban đầu, mình chỉ đăng bài viết với hình ảnh của chú Vinh (nhân viên bảo vệ 69 tuổi, nghỉ việc vì dịch, phải đi ăn xin ở đường Võ Thị Sáu): “Vì một mùa dịch không ai bị bỏ lại phía sau”. Bài viết không hề đăng số tài khoản hay kêu gọi vì mình nghĩ tiền trong quỹ còn nhiều, dự định chỉ cần trích ra thôi. Vậy mà, chỉ trong 1 đêm, tiền tăng lên hơn 100 triệu đồng và tính đến thời điểm chiều ngày 4/7 là 200 triệu đồng.

Hi vọng mọi người hiểu, Phương là người trực tiếp tiếp xúc và trò chuyện nên hiểu hơn câu chuyện của chú. Mình biết được chú đã tủi nhục, khổ cực như thế nào khi phải mang bảng ra đường ăn xin. Chính vì thế, việc mình dùng đúng số tiền mà chú được quyên góp là hoàn toàn hợp lý. Phương không thể lấy hình ảnh của chú để quyên góp, sau đó mang tiền đi làm việc khác (dù là thiện nguyện). Điều này là hoàn toàn trái với lương tâm của Phương.

Trúc Phương hỗ trợ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Mọi người gọi Trúc Phương là “Cô tiên ngoài đời thực”, bạn cảm thấy như thế nào về danh xưng này?

Phương chưa bao giờ nhận mình ngoan ngoãn hay không có thói hư tật xấu. Tuy nhiên, trong những giá trị cuộc sống, Phương chọn lương thiện. 

Mình dùng chữ lương thiện và sự đồng cảm với cái khổ của những hoàn cảnh khó khăn và tự ý thức được bản thân có đầy đủ hơn nên muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các cụ già. Đối với Phương, đó là những người yếu đuối nhất xã hội.

Động lực giúp mình tiếp tục là những nụ cười, hạnh phúc mà người nghèo họ cảm nhận được. Phương muốn mọi người có hi vọng sống, vì cuộc đời không có hi vọng thì sẽ buồn lắm.

Động lực của Phương là nụ cười của các cụ già và những tin nhắn động viên từ dân mạng.

Từ thiện rất vất vả, đặc biệt là trong thời điểm dịch phức tạp, bạn có được gia đình ủng hộ không?

Hiện tại, Phương vẫn có thể cân bằng được mọi thứ. May mắn, bố mẹ và gia đình mình rất ủng hộ. Mặc dù ban đầu mọi người cũng cản, khi TP.HCM bùng dịch không cho đi. Phương cứ hứa hết lần này đến lần khác, mãi chưa thấy ngưng (cười lớn).

Giúp mọi người rất nhiều, vậy Trúc Phương có mơ ước gì cho mình không?

Phương ước mơ à? Phương chỉ ước mơ bản thân có thật nhiều sức khoẻ để giúp được nhiều hoàn cảnh hơn nữa. Mình ước mơ rằng duyên giúp người của mình sẽ còn mãi, để người nghèo sống có hy vọng.

Cảm ơn Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã dành thời gian chia sẻ!

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo YAN