Hết lo ‘kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm việc’
Tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23/6, Tổng bí thư nhắc lại câu nói “kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm làm việc”. Câu nói này xuất phát từ một vị lãnh đạo Quốc hội trước đây và từng gây xôn xao dư luận.
Và đến nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có câu trả lời rõ ràng: “Không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng”.
Tổng bí thư cho biết tới đây, Trung ương sẽ tổng kết 10 năm chống tham nhũng, đó là cột mốc để đánh giá, rút ra bài học để chúng ta đi tiếp.
Hành trình chống tham nhũng
Có thể thấy những năm tháng Đảng phát động chống tham nhũng là cả chặng đường chông gai.
Từ nghị quyết 6 (lần 2) ngày 2/2/1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng đã chỉ rõ “tình trạng tham nhũng, quan liêu lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”.
Trước đó, Đảng đã xác định 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, trong đó có “nguy cơ tham nhũng”. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, mãi đến Đại hội nhiệm kỳ 12, chúng ta mới đẩy mạnh công tác chống tham nhũng lên một bước mới.
Bước ngoặt của cuộc đấu tranh này, hay cụ thể hơn là phát súng đầu chính là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Từ ông Thanh, một loạt quan chức trong ngành Dầu khí, trong Bộ Công thương lộ diện. Người giữ vị trí cao nhất trong vụ này là ủy viên Bộ Chính trị lúc đó đương nhiệm Đinh La Thăng.
Trong hai khoá vừa qua, “lò” chống tham nhũng luôn “đỏ lửa” và đem đến niềm tin, hy vọng về một công cuộc chỉnh đốn thành công.
“Kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm việc” là sự lo lắng không có cơ sở. Ngược lại, kỷ luật nhiều những người bất tài, tham nhũng là điều kiện để đất nước phát triển.
Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng bí thư đã phản bác lại những ý kiến cho rằng chống tham nhũng để mất nhiều cán bộ thì không phát triển, rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển.
Tổng bí thư chỉ rõ, nói ngược lại mới đúng, “chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại”.
Dựa vào dân
Không phải đủ cán bộ mới đem lại sự phát triển, đó chỉ là điều kiện cần. Đủ cán bộ nhưng phải có chất lượng, cán bộ là phải biết việc, phải thạo việc. Sự phát triển chính là sự kết hợp giữa người đứng đầu biết việc, thạo việc và biết tổ chức cho quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Cán bộ phải là người cầm lái, đầu tàu, là người biết tổ chức, biết phát hiện ra “hạt vàng” quần chúng khai phá. Biết nắm quy luật và tổ chức thực hiện như Bí thư Kim Ngọc để sau này có Khoán 10. Cán bộ phải như Bác Hồ nói, là “công bộc của dân” chứ không phải làm cán bộ là nơi “làm quan phát tài” và như Tổng bí thư nói “những cán bộ như thế thì có cho cũng không lấy”.
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, không ít người là uỷ viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật. Trước kia chỉ 1 người đương chức bị kỷ luật là dư luận xôn xao, có khi tiếc nuối thì nay sự xôn xao đó chính là sự đồng tình. Quần chúng cho rằng trong nhân dân không thiếu những “hạt vàng”, vấn đề là Đảng phát hiện và tạo điều kiện. Điều đó cũng đúng như Tổng bí thư nói, không lo, không sợ thiếu cán bộ và cũng không sợ vì thế mà không phát triển.
Nhìn vào 2 năm qua, mặc dù đất nước bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng nhưng công cuộc “đốt lò” vẫn không dừng lại. Trong năm 2021 đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số đó đã không kém năm 2021. Chỉ riêng vụ Việt Á, số người vào “lò” có thể đã thành kỷ lục hơn 70 người, trong đó phần lớn đều có trình độ học hàm học vị cao, nhiều người là cán bộ chủ chốt.
Có thể nói những người bị kỷ luật là những người cản trở, làm chậm sự phát triển. Bài học về chọn đúng người, đặt đúng việc vẫn luôn là yếu tố tiên quyết. Trong hai khoá 9 và 10, chúng ta có đầy đủ những điều kiện để phát triển nhanh và mạnh nhưng tiếc rằng do cách chỉ dạo, cách đi, cách làm mà một số tập đoàn lớn lại không trở thành đầu tàu, ngược lại trở thành gánh nặng cho nền kinh tế mà đến nay sự thua lỗ vẫn chưa khắc phục xong.
Biện chứng của sự phát triển chính là tìm được người tài “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và được nhân dân ủng hộ. Bài học “Dân là gốc” hay “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền là dân” vẫn còn nguyên giá trị. Chọn người, như Tổng bí thư nói, không vội vàng, chọn đúng người và xếp đúng việc.
Trên con đường đi lên, cần loại bỏ những cá nhân cản trở, dừng lại hoặc nhụt ý chí thì công cuộc kiến tạo đất nước mới đột phá, mới bền vững. Thực tiễn vừa là bài học đồng thời là sự chỉ dẫn cho bước đường đi lên. Và nhân tài của đất nước chắc chắn không thiếu, vấn đề là biết phát hiện ra nhân tài, bồi dưỡng nhân tài. Quần chúng nhân dân luôn là tai mắt, là người lựa chọn tinh tường.
Nguyễn Đăng Tấn