Sau tuổi 20, áp dụng 7 thói quen này sẽ nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ

Sau tuổi 20, áp dụng 7 thói quen này sẽ nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ

Bí quyết để tăng sức đề kháng, phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm không khó, chỉ cần bạn chăm chỉ áp dụng những thói quen tốt này.

Theo trang tin tức “BuzzFeed” của Mỹ, sau tuổi 20 là thời điểm thích hợp để thiết lập những thói quen lành mạnh. Đây là khi cơ thể bạn thực sự hoàn thiện, bước vào tuổi trưởng thành, chuẩn bị đi làm và lập gia đình, do đó rèn luyện sức khỏe là vô cùng cần thiết.

Sức khỏe là tiền đề quan trọng để kéo dài tuổi thọ . Ai cũng nghĩ rằng giữ sức khỏe rất khó, nhưng chỉ cần bạn tuân thủ 7 thói quen dưới đây sẽ giúp gia tăng sức đề kháng, phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm.

7 thói quen giúp kéo dài tuổi thọ , sau tuổi 20 cần nhớ 

1. Dành thời gian để cơ thể thư giãn với thiên nhiên

Theo tạp chí về y khoa “Journal of Epidemiology and Public Health” của Anh, những người thường xuyên sống trong môi trường có nhiều cây cối trong phạm vi 800m thường có sức khỏe tốt hơn người bình thường. Ngoài ra, những người thường xuyên đi chơi xa, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên có tâm trạng tốt, vui vẻ, tránh được cảm giác lo lắng, bồn chồn, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng hệ tiêu hóa.

2. Nấu ăn tại nhà

Một nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh đã chỉ ra: Những người cao tuổi, có thói quen nấu ăn ở nhà có xu hướng sống lâu hơn người hay dùng đồ ăn mua ở bên ngoài. Theo các nhà khoa học, thói quen tự nấu nướng giúp kiểm soát tốt hơn thành phần và độ tươi của thực phẩm, đồng thời giúp bạn làm chủ tốt hơn lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Những người cao tuổi, có thói quen nấu ăn ở nhà có xu hướng sống lâu hơn người hay dùng đồ ăn mua ở bên ngoài.

3. Thích đứng hơn ngồi

Thói quen ngồi lâu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Nếu bạn thường xuyên phải ngồi làm việc trên 8 tiếng mỗi ngày, hãy tập thói quen đứng dậy, vận động nhẹ 5 – 7 phút hoặc đi bộ xung quanh văn phòng sau mỗi giờ làm việc. Hãy tranh thủ đi bộ nhiều nhất có thể, bằng cách đỗ xe xa chỗ làm việc, chọn thang bộ thay vì thang máy… để tránh tình trạng ngồi lâu, có hại cho sức khỏe.

4. Hạn chế đồ uống có đường

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên “Tạp chí chăm sóc sức khỏe người bệnh tiểu đường”, các loại đồ uống có hàm lượng đường thấp có thể gây ra hội chứng chuyển hóa, gây bệnh tiểu đường loại 2. Những người thường xuyên dùng loại đồ uống này có xu hướng bị béo phì, thừa cân so với những người không uống. Vậy nên, nước lọc là lựa chọn hoàn hảo cho để đảm bảo sức khỏe.

5. Dùng kem chống nắng khi đi ra ngoài

Ngay cả trong những ngày tiết trời mùa đông hay trời nhiều mây, sử dụng kem chống nắng cũng là bước quan trọng để bảo vệ cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra, bôi kem chống nắng mỗi ngày có thể làm giảm một nửa tỷ lệ mắc bệnh ung thư tế bào hắc tố. Ngoài ra, các nhà khoa học Úc cũng phát hiện các kem chống nắng giúp bảo vệ làn da khỏi tình trạng lão hóa , kéo dài nhan sắc và tuổi thọ.

6. Sống hòa đồng

Theo nhiều nghiên cứu, kết nối mạnh mẽ với những người xung quanh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như phòng ngừa bệnh trầm cảm, nâng cao sức khỏe tinh thần, tránh lo âu, stress kéo dài… Vậy nên, hãy thường xuyên gọi điện thoại về cho gia đình, mời bạn bè đi gặp mặt để trò chuyện… sẽ giúp cải thiện sức khỏe nhiều hơn đấy!

7. Tập thể dục thường xuyên

Các chuyên gia khuyến cáo, tập thể dục nhịp điệu trung bình 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, vận động với cường độ mạnh ít nhất 2 ngày/tuần như nâng tạ… không những mang lại một sức khỏe mạnh mà còn ngăn ngừa nguy cơ loãng xương , phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Theo Cafef