NÓNG: Bộ KH-CN công bố kit test Covid-19 Việt Á nghiên cứu hết hơn 18 tỷ từ ngân sách
Bộ KH-CN cho biết, tổng kinh phí chi từ ngân sách cho việc nghiên cứu, chế tạo bộ kit test Covid-19 của Học viện Quân y và Công ty Việt Á là 18,98 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt là thành viên chính nhóm nghiên cứu
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa có thông tin chi tiết liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.
Theo đó, nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia trên có tên đầy đủ: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.
Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 sau khi được gia hạn đến tháng 10/2021.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y do PGS.TS Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Ngoài PGS.TS Hồ Anh Sơn, tham gia nhiệm vụ có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó, 13 người thuộc Học viện Quân y và 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Việt đứng thứ 14 trong 17 thành viên và đứng đầu trong 4 thành viên của Công ty Việt Á. Theo thông tin, ông Việt có trình độ cử nhân còn 3 người của Việt Á có trình độ thạc sĩ.
Cũng theo thông tin của Bộ KH-CN, Bộ này sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên trong tháng 12/2021 tại Trụ sở Bộ.
Tuy nhiên, đến nay Bộ này vẫn chưa có động thái cho thấy sẽ tổ chức việc đánh giá, nghiệm thu.
Các đóng góp quan trọng của kit Covid-19 Việt Á
Bộ KH-CN dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu nêu rõ, đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công 2 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV là những sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, sản phẩm khoa học là Quyết định cấp phép lưu hành 2 bộ sinh phẩm này của Bộ Y tế Việt Nam; Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020)…
Đề tài đã xây dựng thành công Quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV; Hướng dẫn sử dụng và tiêu chuẩn cơ sở của bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV và Báo cáo đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của các bộ sinh phẩm sàng lọc, phát hiện chủng 2019-nCoV.
Nhóm cho hay, việc nghiên cứu sản xuất các kit chẩn đoán phân tử lý tưởng nhất là dựa trên thông tin các chủng lưu hành tại khu vực địa lý xảy ra vụ dịch và thiết lập bộ panel mẫu chuẩn phục vụ cho đánh giá chất lượng bộ sinh phẩm cũng từ các mẫu bệnh phẩm lâm sàng thu được từ vụ dịch.
Việc nghiên cứu cũng giúp chủ động trong chẩn đoán, xác định nhanh ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đặc biệt khi dịch bệnh đạt đỉnh, phục vụ theo dõi điều trị và đưa ra các biện pháp ứng phó để kiểm soát dịch triệt để và tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm dịch tễ học, đường lây truyền nhằm phục vụ cho việc xây dựng hoạch định các chính sách và các chương trình Y tế Quốc gia về dự phòng, chẩn đoán sớm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 rất cần thiết.
“Sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng “super mix” sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở chẩn đoán – là các trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có trang bị chẩn đoán phẩn tử có thể tiến hành đơn giản theo hướng dẫn sử dụng của bộ kit.
Bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xẩy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước”, thông tin của nhóm nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này, việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn.
Cụ thể, việc chủ động sản xuất ra sinh phẩm tạo sự yên tâm rất lớn trong đội ngũ chuyên gia y tế cũng như toàn xã hội.
Bộ sinh phẩm không chỉ củng cố niềm tin của xã hội vào sự chỉ đạo của chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ Quốc tế.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng khẳng định, các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như các dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho các nghiên cứu về chế tạo vắc-xin dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.
Hiện nay, bộ sinh phẩm và các quy trình chẩn đoán dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất trên 3.000.000 test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên 163 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, CDC Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, CDC TP HCM…
Hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm, và đã xuất khẩu trên 500.000 test.
“Như vậy, chúng ta không phải mua những kit chẩn đoán nước ngoài với giá thành cao, giúp giảm giá thành sản phẩm, điểm quan trọng nữa là giúp chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giúp ổn định kinh tế xã hội”, báo cáo nêu rõ.
Trước đó, WHO đã công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted – Không được chấp nhận.
Theo Soha