TP.HCM muốn chuyển đổi 16,8 ha đất rừng để xây vành đai 3

TP.HCM muốn chuyển đổi 16,8 ha đất rừng để xây vành đai 3

16,8 ha đất thuộc 12 lô rừng trồng (tràm) tại huyện Bình Chánh được đề xuất chuyển đổi làm đường giao thông Vành đai 3 TP.HCM.

Vị trí đất chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc 12 lô rừng trồng (tràm) sang rừng sản xuất ở huyện Bình Chánh, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phụ trách thực hiện.

Dự án được thực hiện bằng hình thức đầu tư công kết hợp vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là hơn 61.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Công trình có tổng chiều dài hơn 91,6 km, riêng chiều dài đầu tư giai đoạn 1 là hơn 76,3 km (với 4 làn xe, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe). Trong đó, chiều dài qua TP.HCM là 47,5 km, Đồng Nai là 11,2 km, Bình Dương là 10,7 km và Long An là 6,8 km.

Vành đai 3 còn 81 km chưa hoàn thành. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Nội dung đề xuất này có trong tờ trình được UBND TP.HCM đưa ra tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ năm, khóa X.

Vành đai 3 là đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành…

Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Bên cạnh đó, vành đai 3 cũng mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)… Từ đó, tuyến đường chia sẻ áp lực với khu vực nội đô của 4 địa phương, tác động tích cực không gian đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, các xe vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình, chi phí vận tải, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM – Long Thành.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (2, 3, 4), tổng chiều dài 356 km. Đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 là 16 km), riêng vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng. Tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống vành đai TP.HCM như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.